IMG tham gia Hội nghị đánh giá tình hình, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì

Chiều 3/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân và các chủ thể liên quan chung tay tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững.

Ông Lê Tự Minh - CT HĐQT CT CPĐT IMG tham gia và nêu ý kiến phát biểu tại hội nghị

Ông Lê Tự Minh, Chủ tịch Công ty CP đầu tư IMG: Bản chất của việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS mà Chính phủ đang quan tâm nằm ở 3 vấn đề.

Thứ nhất là chống đầu cơ đất. Hiện nay, người dân mua đất chờ thời cơ tăng giá, khiến một bộ phận lực lượng sản xuất "nằm ngủ" không phát huy tác dụng, rất phí phạm.

Kinh nghiệm của các nước là dùng thuế để điều chỉnh sự đầu cơ. Chúng tôi có dự án ở Australia, mỗi năm chúng tôi phải nộp thuế đất 2%. Giá đất là do cơ quan thuế định giá hằng năm một cách độc lập. Mỗi năm, chúng tôi phải đóng thuế đất 700.000-800.000 đô la khi chưa thực hiện dự án. Năm nay, chính quyền địa phương quyết định tăng mức thuế này lên 4%, rất cao.
 

Nếu Việt Nam thực hiện chính sách này thì chỉ có những người thật sự làm dự án mới dám giữ đất và khi giữ đất thì phải làm dự án rất nhanh. Biện pháp này không chỉ chống đầu cơ đất mà còn giúp cho Bộ Tài chính có một nguồn thu lớn.

Chúng tôi kiến nghị Ban soạn thảo Luật Đất đai bổ sung và áp dụng mức thuế 2% thuế đất hằng năm và áp dụng thuế luỹ tiến khi các khu đất không đưa vào kinh doanh, không sinh lời, giống như nước ngoài đang thực hiện.

Thứ hai, chúng tôi cảm ơn NHNN đã có những biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường BĐS, tuy nhiên việc tăng lãi suất nên có thời hạn và có định lượng.

Đã đến lúc giảm lãi suất trung hạn xuống dưới 10%. Các nước phát triển áp dụng lãi suất trung hạn từ 3-5%. Lãi suất trung hạn cao, các doanh nghiệp không muốn vay, không dám vay và khách hàng dồn tiền cho lĩnh vực khác thay vì BĐS. Nên hạ lãi suất trung hạn xoay quanh 8,5% cộng trừ như 2 năm trước đây, để Việt Nam tiếp tục là một con rồng của châu Á.

Nên có biện pháp không cho hoặc hạn chế các doanh nghiệp BĐS tham gia ngân hàng và ngược lại vì các doanh nghiệp tham gia cả 2 lĩnh vực này huy động vốn xã hội chủ yếu cho chính doanh nghiệp mình và ít có tác dụng với xã hội.

Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc pháp lý và xử lý hành chính. Khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp BĐS là pháp lý có sự chồng chéo, cùng 1 vấn đề, 1 quy định nhưng nhiều cách hiểu, cấp thực thi không thực hiện và không dám làm, chủ yếu là cấp địa phương. 

Ở doanh nghiệp, chúng tôi giao việc kèm deadline, cán bộ sai deadline mà không có lý do chính đáng, không được cấp trên đồng ý điều chỉnh thì sẽ bị phạt hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên cán bộ nhà nước có chậm hoặc không làm cũng không sao. Chúng ta hiểu rõ, thất thoát do chậm trễ tiến độ lớn hơn thất thoát do tham ô.

Kiến nghị, cần có quy định rõ ràng về việc phân quyền và trách nhiệm của các cấp, trong đó quy định rõ: nội dung hoàn thành, thời gian hoàn thành, trách nhiệm nếu để quá hạn. 

Lãnh đạo IMG cũng đề nghị Bộ KH&ĐT cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được kéo dài thời hạn thuê đất hoặc cho doanh nghiệp được trả tiền đất 70 năm để các khu công nghiệp có đủ độ dài của thời hạn, đủ sức hấp dẫn đối tác thuê đất. Việc này vừa đúng luật vừa tăng thêm nguồn thu cho địa phương.

Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).

Về phía Quốc hội có mời Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật dự họp. 

Thành phần được mời dự hội nghị còn có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. 

Tham gia hội nghị còn có sự góp mặt của 6 ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Techcombank, MBbank cùng hàng loạt Tập đoàn đầu ngành bất động sản như Vingroup, SunGroup, Novaland, IMG, GP.Invest, Ecopark, Geleximco, Hoàng Quân, Becamex IDC, Hưng Thịnh…

Các Tổng công ty HUD, Handico, UDIC, Hancorp cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp như Vinaconex, Hòa Bình.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng được mời dự hội nghị.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động từ bên ngoài lẫn bên trong, nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Đảng, cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2023 của cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần cải thiện. Nợ công, nợ chính phủ và bội chi ngân sách được kiểm soát. Trong kết quả chung về kinh tế - xã hội có đóng góp rất quan trọng của lĩnh vực bất động sản.

Theo Thủ tướng, bất động sản và thị trường bất động sản có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, tác động trực tiếp và rộng lớn đến người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng và phát triển kinh tế; hiện dòng tiền, tín dụng của nền kinh tế đều có liên quan đến bất động sản.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các bộ, ngành đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tham mưu, đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản...

Cùng với nhiều chính sách cụ thể khác về ngân hàng, tín dụng và đầu tư, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực.

Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc đồng hành, giải cứu thị trường bất động sản tránh để thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đổ vỡ hàng loạt, ảnh hưởng đến sự hồi phục và phát triển của nền kinh tế.


Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, bên cạnh các đóng góp tích cực, hoạt động của thị trường bất động sản trong thời gian qua vẫn còn có những dấu hiệu chưa ổn định, chưa lành mạnh, sự phục hồi còn chậm, các doanh nghiệp bất động sản còn nhiều khó khăn; những bất cập, vướng mắc của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản mới chỉ được xử lý bước đầu, chưa được giải quyết một cách căn cơ, bền vững, hiệu quả.

“Những vấn đề đã tồn tại nhiều năm thì không dễ một sớm, một chiều có thể giải quyết được; mà phải giải quyết từng bước, khó đến đâu gỡ đến đó, vướng chỗ nào, tháo gỡ chỗ đó, vướng ở cấp nào thì giải quyết ở cấp đó; các cấp, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân đề cao trách nhiệm của mỗi chủ thể, chung tay cùng giải quyết, với tinh thần “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh và bền vững" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhiều dự án bất động sản còn gặp khó khăn vướng mắc

Báo cáo tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý II/2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành có 07 dự án với 2.424 căn (852 căn hộ; 1.572 căn nhà ở riêng lẻ), số lượng dự án chỉ bằng khoảng 50% so với Quý I/2023 và bằng khoảng 29.17% so với Quý II/2022, việc triển khai bị chậm hoặc bị dừng hẳn do nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý, về nguồn vốn…

Trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công; giá giao dịch bất động sản chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là có những khu vực tăng cao dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại; giá bán bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên mức độ giảm không nhiều như thời điểm cuối năm trước do các chi phí vốn hiện nay vẫn ở mức cao; giá bán của phân khúc biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương trong quý tiếp tục có xu hướng giảm khoảng 2% đến 5% so với quý trước và có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư của sản phẩm và hạ tầng khu vực trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925.796 tỷ đồng, cơ cấu, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. 
Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với lĩnh vực bất động sản trong quý II năm 2023 có sự biến động đáng kể vào tháng 6/2023 với 13 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 8,170 tỷ đồng với mức lãi cao so với mặt bằng chung 12-14%, tăng mạnh so với tháng 5/2023, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng (nguồn Hiệp Hội thị trường trái phiếu Việt Nam).

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá thực trạng những việc làm được, chưa làm được của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33 và các chính sách liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề xuất và giải pháp gì để xử lý các dự án bất động sản đang có vướng mắc về pháp lý, phải ngừng hoạt động, không đưa được sản phẩm ra thị trường do vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư, giảm rủi ro nợ xấu tín dụng. Những khó khăn vướng mắc trong triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, lĩnh vực bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, coi trọng việc điều tiết, khôi phục thị trường đi đôi với kiểm soát rủi ro. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, đồng hành với địa phương, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về thị trường bất động sản

Thủ tướng cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các bộ, ngành đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tham mưu, đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản... Cùng với nhiều chính sách cụ thể khác về ngân hàng, tín dụng và đầu tư, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực. Điều này cho thấy sự cam kết mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ trong việc đồng hành, tháo gỡ cho thị trường bất động sản.

Thủ tướng yêu cầu, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự; bảo vệ cán bộ, những người làm đúng; hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp, không hoang mang, dao động, lo sợ trước mọi khó khăn, thách thức, biến động, nhưng đồng thời cũng không say sưa trước những thắng lợi, không lơ là, chủ quan khi tình hình thuận lợi hơn, không đánh mất thời cơ.

Về nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg; Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ), giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn cho vay ưu đãi để tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ hợp thứ 6 tháng 10/2023, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Phối hợp với các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương doanh nghiệp triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng đề nghị, Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, đối với viêc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội khu vực đô thị nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài chính rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức, doang nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, năm 2024.

Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá. Đồng thời, có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về phương pháp định giá đất; xây dựng điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự thủ tục rút gọn; đồng thời hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến xác định giá đất.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; tập trung rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản trên địa bàn; khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được giao cụ thể tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; nghiên cứu đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính theo thẩm quyền; các địa phương quy định rõ đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong lập, phê duyệt dự án nhà ở, trong đó có dự án nhà ở xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm đầu tư của doanh nghiệp nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính, quy mô, khả năng quản trị của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội; rà soát, cơ cấu lại nguồn vốn; tập trung xử lý nợ xấu, nợ đến hạn để tạo cơ sở, điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán... triển khai thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý; đề xuất xử lý đối với những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.


Chủ tịch IMG Lê Tự Minh chụp ảnh lưu niệm với các Đại biểu tham gia Hội nghị


Nguồn: https://vov.vn/chinh-tri/giai-quyet-vuong-mac-cho-thi-truong-bat-dong-san-kho-den-dau-go-den-do-post1036916.vov

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ IMG HUẾ

Đường số 7, Khu đô thị An Cựu, phường An Đông, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điện thoại: (0234) 3897989 - (0234) 3897969
Liên hệ: contact@imghue.vn | Website: www.ancuucity.com.vn hoặc www.imghue.vn

Trụ sở công ty mẹ: Tầng 9, tòa nhà Master, 155 Hai Bà Trưng, phường 6, Quận 3, TP.HCM, Việt Nam
Điện thoại: (+84) 028 6290 7638 | Hotline: (+84) 028 6290 7638 | Website: www.img.vn


Tin tức liên quan

Hình hài TP Huế trực thuộc trung ương năm 2025

Hình hài TP Huế trực thuộc trung ương năm 2025

Dự kiến sau khi lên thành phố trực thuộc trung ương năm 2025, Thừa Thiên Huế mang tên TP Huế, có 9 đơn vị cấp huyện, trong đó thành phố hiện nay tách thành hai quận, huyện Nam Đông sáp nhập với Phú Lộc.