Thị trường bất động sản sẽ phục hồi sau điều chỉnh room tín dụng

TheLEADERTS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam đánh giá việc nới room tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi và tái phát triển.

Trong nửa đầu năm 2022, dòng vốn cho thị trường bất động sản bị thu hẹp từ nhiều phía như kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp suy giảm.

Tuy nhiên, đến ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông cáo cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này. 

Cụ thể, các ngân hàng đã thông báo điều chỉnh hạn mức room tín dụng như Sacombank 4%; Agribank 3,5%; MB 3,2%; Vietcombank 2,7%; TPBank 1,2%; OCB 3,1%; VIB 3%; … Mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%, trong đó có hai ngân hàng được nới room hơn 3%.

Thông tin này đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng của thị trường bất động sản. Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, thông báo điều chỉnh room tín dụng mới nhất của Ngân hàng Nhà nước là một động thái bẻ khóa tiền tệ tích cực, giúp trực tiếp bơm nguồn tiền vào nền kinh tế hậu Covid-19, từ đó tiếp sức cho các lĩnh vực và ngành nghề bao gồm dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và bất động sản.

Việc nới room tín dụng cho các ngân hàng, tạo điều kiện vay thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản sẽ giúp thị trường phục hồi và tái phát triển.

Đồng quan điểm ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cũng cho rằng, việc nới room tín dụng là thông tin rất tích cực đối với sự phát triển của thị trường.  

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi khi Ngân hàng Nhà nước quyết định “nới room” tín dụng cho các ngân hàng thương mại để “bơm” thêm ra thị trường khoảng 457.000 tỷ đồng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. 

Ông Châu kỳ vọng, với việc nới room này, các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để bù đắp thiếu hụt nguồn vốn đầu tư trong thời gian qua. Theo đó, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn để triển khai dự án bất động sản, việc nới room tín dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Qua đó, thị trường bất động sản sẽ có thêm nguồn cung, người mua nhà cũng có thêm cơ hội sở hữu bất động sản. Đây sẽ là tín hiệu rất tích cực giúp thị trường phục hồi và phát triển sau giai đoạn trầm lắng từ đầu năm 2022.

Cũng theo vị chuyên gia này, sẽ phù hợp hơn nếu Ngân hàng Nhà nước xem xét nâng “room” tín dụng cả năm 2022 thêm 1-2% (từ mức mục tiêu 14% lên mức 15-16%) thì sẽ có thêm trên dưới 200.000 tỷ đồng nữa đưa vào nền kinh tế trong những tháng cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm. 

Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có cơ sở để xem xét nâng “room” tín dụng năm 2022 lên thêm 1-2% nữa do nước ta cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, xuất siêu và có dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD, được các tổ chức quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. 

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm rất uy tín là Moody’s Investors Service vừa nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định cũng vào ngày 06/09/2022 và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự cũng vừa dự báo nâng GDP Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7% cao hơn mục tiêu được Quốc hội đặt ra là từ 6-6,5%.

M&A vẫn là giải pháp cho bài toán về vốn

Giữ góc nhìn thận trong hơn về thị trường, trong bối cảnh các quy định về tín dụng cho ngành bất động sản có nhiều thay đổi, chuyên gia Savills đánh giá việc kêu gọi vốn thông qua hình thức M&A vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng và tìm đến những đơn vị tư vấn M&A tiêu chuẩn quốc tế để được hỗ trợ kết nối với những đối tác phù hợp.

Nhận định về xu hướng M&A của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, ông Khương cho rằng, đây là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp trong nước. Việc liên kết giữa các nguồn lực tài chính khác nhau giúp cho doanh nghiệp cải thiện năng lực phát triển các dự án và thu hút nguồn khách hàng mới do các nhà đầu tư nước ngoài đem lại.

“Ngoài ra, đối với những công ty niêm yết, điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút vốn nước ngoài trên sàn giao dịch chứng khoán. Các công ty quy mô nhỏ với năng lực tài chính thấp cần phải có chiến lược tái cấu trúc lại danh mục đầu tư, đảm bảo hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án”, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam nói thêm.

Theo ông Khương, ngoài nguồn lực và tài chính thì các thủ tục cơ chế là vấn đề nan giải nhất trong việc phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam, không ít dự án còn vướng mắc vấn đề pháp lý. 

Vì vậy việc nới room tín dụng và tăng nguồn lực sẽ không tạo nên những thay đổi rõ rệt cho các doanh nghiệp hay cải thiện tình trạng hạn chế về nguồn cung trên thị trường.

Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị Chính phủ cần phải có những chính sách khai thông để bổ sung nguồn vốn nội lực và nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, từ đó tăng tính liên kết, giúp thị trường bất động sản tận dụng được tiềm năng để phát triển bền vững.

nguồn : https://theleader.vn/thi-truong-bat-dong-san-se-phuc-hoi-sau-dieu-chinh-room-tin-dung-1662743215959.htm


Tin tức liên quan

Thị trường lao dốc, môi giới bất động sản lo "không có Tết"

Thị trường lao dốc, môi giới bất động sản lo "không có Tết"

Thị trường lao dốc khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải gồng lương trả nợ cho nhân viên do dự án phải tạm ngừng vì thiếu vốn, còn môi giới nhà đất thì như ngồi trên chảo lửa vì không có việc làm, không có tiền sắm Tết.