Hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng tạo điểm nhấn cho đô thị Huế

(Xây dựng) – Từng bước hoàn thiện các quy hoạch, đầu tư các dự án trọng điểm, chỉnh trang đô thị và hạ tầng kết nối với khu vực thành phố Huế mở rộng để sớm đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

 

Hoàn thiện quy hoạch, hạ tầng tạo điểm nhấn cho đô thị Huế
Diện mạo đô thị Huế ngày một đổi thay khang trang, hiện đại.

Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên – Huế tập trung hoàn thành các quy hoạch chung đô thị và đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Dự kiến, đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Tại Hội thảo góp ý Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Văn Phương – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế lần này kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng, với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

Phương án mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, dự kiến giai đoạn đến năm 2030, trên cơ sở các kịch bản, thành phố được dự kiến gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Huế, thực hiện Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm do Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thực hiện. Quá trình thực hiện dự án, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu kỹ về hiện trạng, giá trị văn hóa, cảnh quan hai bờ sông Hương trong tổng thể đô thị Huế và đề xuất phương án quy hoạch theo hướng hình thành trục cảnh quan tự nhiên, đa dạng với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, khu công viên trung tâm và các vùng cảnh quan đặc trưng ven sông.

Từ khi Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án thí điểm được UBND tỉnh phê duyệt. Những dự án ở khu vực được triển khai đầu tư xây dựng như cầu đi bộ kết nối mạng lưới đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương; khu công viên quảng trường trước UBND tỉnh; tuyến đường đi bộ phía bắc bờ sông Hương từ cầu Trường Tiền đến chùa Thiên Mụ; xây dựng khu vực đồi Vọng Cảnh và vùng phụ cận hướng tới hình thành công viên phục vụ các hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, nghỉ ngơi, kết hợp điểm dừng lý tưởng cho các chuyến du lịch đường bộ cũng như đường thủy dọc sông Hương…

Thành phố tập trung nguồn lực triển khai các dự án nâng cấp mở rộng đường Hà Nội; chỉnh trang 2 bờ sông Hương, tuyến đường dọc sông Hương (phía Nam) đoạn từ cầu Dã Viên đến đường Huyền Trân Công Chúa; dự án di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; chỉnh trang công viên cồn Dã Viên... Ngoài ra, dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - Tiểu dự án Thừa Thiên - Huế, có tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Dự án đang triển khai nhiều hợp phần, trong đó đang triển khai đầu tư xây dựng công viên, cây xanh, quảng trường Khu hành chính tập trung thành phố Huế; nâng cấp tuyến đường Tố Hữu và Võ Nguyên Giáp; nâng cấp mở rộng cầu Vỹ Dạ; tuyến đường nối 2 khu đô thị A và B khu An Vân Dương…

Ông Nguyễn Đại Viên - Giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh cần quan tâm đến dân số quy đổi và tính khả thi của những con số khi dự báo quy mô dân số. Hệ thống giao thông cần đầu tư đồng bộ, nhất là những tuyến nối từ thành phố Huế đến huyện Phú Vang và huyện Quảng điền. Nghiên cứu đưa hệ thống giao thông đường thủy, giao thông xanh vào đô thị…

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 1261/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 (dự kiến sẽ hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch trong năm 2023). Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang chỉ đạo quyết liệt các Sở ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập “Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên - Huế trực thuộc trung ương”, dự kiến hoàn thành, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2023, làm cơ sở để sớm đưa toàn tỉnh trở thành thành phố Thừa Thiên - Huế trực thuộc trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

https://baoxaydung.com.vn/hoan-thien-quy-hoach-ha-tang-tao-diem-nhan-cho-do-thi-hue-343815.html?fbclid=IwAR1bZQAjDuseNDwdY12JJmcutb5qmsNFrAvd6GPhQd41wwEwHsfmz2Ey7RM


Tin tức liên quan

Shophouse căn hộ: Khai phá tiềm năng mô hình shophouse theo chủ đề

Shophouse căn hộ: Khai phá tiềm năng mô hình shophouse theo chủ đề

Hình thức phát triển shophouse tại các dự án căn hộ không còn lạ trên thị trường. Sự kết hợp này không chỉ đem đến lợi ích cho cư dân sinh sống mà còn là nguồn lợi tức rủng rỉnh cho giới đầu tư. Tuy nhiên, không phải mô hình shophouse nào cũng được khai thác thành công.

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại AEON MALL Huế

Nhiều kỳ vọng vào Trung tâm thương mại AEON MALL Huế

Dự án AEON MALL Huế - Trung tâm thương mại thứ 7 của Tập đoàn AEON tại Việt Nam và là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 9/2024 sẽ mang đến những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.