Phí, hạ tầng và lòng dân

SGTT.VN - Thời gian gần đây, người dân đang chịu những áp lực tâm lý – xã hội dồn dập. Lạm phát tăng cao, đồng tiền trượt giá, những mặt hàng cơ bản nhất liên tục tăng mà chưa có hồi kết. Kéo theo đó là phản ứng dây chuyền khi nhiều loại phí đều tăng như viện phí, học phí, lộ phí... Những sự tích hợp này làm cho đời sống người dân căng thẳng.

Trong tình hình như thế, việc các cơ quan chức năng quyết tâm tăng các loại phí liên quan đến giao thông và rất nhiều các loại phí dân sinh khác mà phí nào cũng không hề thấp… xem ra rất không ổn. Ngân sách thu được từ các loại phí ấy thoạt mới xem ra có vẻ lớn, nhưng thực sự nó không nhiều so với những nỗ lực khác nếu các cơ quan chức năng làm được. Nếu quản lý tốt việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, gỗ, titan, quặng, nước, đất đai, bờ biển, không phận… không để cho những nhóm lợi ích thao túng, thì số tiền thu được có thể lớn gấp bội phần những thứ phí phát sinh thêm thu được từ dân.

Hãy nhớ, bất cứ một người dân nào cũng được quyền hưởng lợi trong một giọt dầu, một ký than, một centimét vuông đất của quốc gia. Nếu cơ quan nhà nước quản lý tốt các dự án, nhất là dự án hạ tầng kỹ thuật, dự án xây dựng không để hao hụt vào túi nhóm lợi ích đến 20 – 30% (có ý kiến còn cao hơn nữa), cũng như quản lý và khai thác có hiệu quả ngân sách quốc gia, vốn vay các loại thì chắc hẳn không phải “trăm dâu đổ đầu tằm” kiểu tận thu như hiện nay.

Những người làm chính sách biện minh rằng, các loại thuế phí không phải chỉ là để gia tăng ngân sách mà làm cho người dân thay đổi thói quen xấu, gia tăng ý thức công dân. Chẳng hạn làm cho người dân ngán ngại không đi xe máy, không sử dụng xe hơi như một phương tiện kiếm ăn (taxi, xe tải, xe khách...) nữa. Như thế là có lợi cho cả hai phía Nhà nước và nhân dân. Tất nhiên người ra chính sách nói anh không phải đóng thuế, đóng phí nếu anh không đi trên quốc lộ, anh bỏ xe máy, anh đừng vào trung tâm, anh đừng chữa bệnh… Đó là quyền tự do lựa chọn của anh tôi không bắt. Nhưng, điều này chẳng khác gì ông lái đò tăng tiền lộ phí trong khi chỉ có một con đường duy nhất để qua sông ra khỏi làng, anh được tự do lựa chọn trong tình thế không có cái thứ hai!

Khi ban hành các loại thuế, phí, người ra chính sách đều nói là có thêm tiền để làm cho chất lượng phục vụ tốt hơn, chất lượng sống tốt hơn, mọi chuyện tốt hơn. Nhưng khi hỏi lại: Viện phí tăng chất lượng chữa trị tăng? Học phí tăng chất lượng đào tạo tăng? Phí giao thông tăng tai nạn giao thông giảm?... Câu trả lời là chẳng ai dám chắc điều gì cả mà rốt cục đó chỉ là mong muốn. Số tiền thu được từ các loại thuế, phí dẫu có lớn, nhưng làm cho người dân mệt mỏi hơn, căng thẳng hơn, xáo trộn nhiều hơn và niềm tin bị mất đi thêm một chút... Vậy có cần thiết phải đánh đổi như thế không?

Năm 1969, trong khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, thậm chí vào thời điểm đó cách mạng đang gặp khó khăn, vậy mà trong lúc viết di chúc, Bác Hồ đã nghĩ ngay đến chuyện không thu thuế của nông dân trong ba năm sau khi thống nhất đất nước. Lẽ nào những người ban chính sách hôm nay không thấu hiểu “khoan thư sức dân” như một kế sâu bền gốc của các đấng "minh chủ" như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh?

TS NGUYỄN MINH HOÀ


Tin tức liên quan

Lộ diện phối cảnh mới "cực ngầu" của Aeon Mall Huế

Lộ diện phối cảnh mới "cực ngầu" của Aeon Mall Huế

Trên fanpage Đô Thị Huế vừa đăng tải một số hình ảnh phối cảnh mới của Aeon Mall Huế. Đây là lần thứ 2 Aeon Mall Huế công bố phối cảnh mới, so với phối cảnh trước, phối cảnh mới này nhận được cơn mưa khen ngợi về thiết kế cũng như quy mô.